- Đội phản ứng nhanh của Công ty dịch vụ bảo vệ INVICO...
- 关于INVICO – 保 安 服 务 股 份 公 司 / 合作邀请函
- Công ty CP DV Bảo vệ An ninh INVICO trao 45 triệu đồng hỗ trợ đồng bào...
- Kỳ họp quý 2 năm 2024 của Công ty Vệ sĩ INVICO
- Công ty INVICO tăng cường công tác an ninh trật tự tại KCN WHA - Nghệ ...
- Công ty INVICO thực hành bắn đạn thật năm 2023
10 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An
Thời gian đăng: 14-02-2018 17:57 | 517 lượt xemIn bản tin
Xứ Nghệ có những món đặc sản được đi vào ca dao, tục ngữ hay đi vào cổ tích, đi vào kho tàng đặc sản dân tộc như ở nhiều nơi, du khách nên thử khi có dịp đến với xứ Nghệ.
1. Cháo lươn
Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị. Để nấu được món cháo lươn ngon thì trước hết bạn phải chọn được loại lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc. Lươn luộc chín, xé thịt dọc sợi, xào nấu cẩn thận.
Mùi thơm của lươn bay thoảng trong gió khiến chẳng ai có thể cầm lòng được. Nếu đến Vinh, bạn hãy thử món cháo ngon tuyệt này, đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên.
2. Nhút Thanh Chương
Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.
Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. Người xứ Nghệ sống vì tình vì nghĩa, và phải chăng vì cả món nhút ngọt lành nữa?.
3. Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt…
Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Vị mặn ngọt hòa lẫn tạo ra hương vị đặc biệt của tương, nếu làm nước chấm có dính thêm mẻ đậu thì có vị ngọt bùi.
4. Bánh bèo
Khác với bánh bèo Huế làm từ bột gạo, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo là nhân tôm hoặc nhân thịt, những con tôm được làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị, khi ăn càng thơm và càng ngọt bùi.
Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon, không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau thơm (rau mùi),… Ăn một miếng bánh bèo, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô và vị thanh mát của rau sống.
5. Bánh mướt
Bánh mướt ở Nghệ An nhìn qua cũng khá giống với bánh cuốn ở ngoài bắc nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng và ăn lúc nguội có vị mềm mát, dễ chịu. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn, được cuộn tròn, trắng trong, mềm mịn. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ xay nhuyễn và ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no.
Bánh mướt đơn giản, không cầu kỳ chỉ cần nước bột gạo phải ngon. Bánh mướt có thể ăn cùng bát xáo lòng cũng cực kỳ ngon.
6. Cháo canh
Cháo canh dường như đã trở thành “thương hiệu” không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Nghệ An. Nét đặc trưng của món này là những sợi bánh được làm từ bột mì. Sợi mì phải mềm và dai, nhúng qua nước ấm rồi để ráo, sau đó trộn với bột gạo.
Tuy nhiên để có một món cháo canh ngon cần phụ thuộc nhiều vào phần nước dùng được hầm từ xương ống. Đợi khi nước xương được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là đã có một món cháo canh ngon lành.
7. Bánh đa xúc hến
Bánh đa xúc hến là một món nhậu quen thuộc vào những dịp hội họp bạn bè của người dân xứNghệ. Hến được đãi từ sông Lam, tách vỏ béo, xào cùng hành mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan trở thành những chiếc thìa xúc hết với hương vị ngọt, bùi, thơm phưng phức đầy quyến rũ. Gia vị để ăn cùng bánh đa là lạc giã dập, rau sống và ớt cho những người muốn thêm chút vị cay nồng cho món ăn này.
8. Mực nháy nướng Cửa Lò
Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ.
Mùi thơm của mực nướng chấm với gia vị chua chua, ngọt ngọt hoặc chỉ cần tương ớt thôi là đã quá tuyệt vời. Mực nháy nướng ở Nghệ An nằm trong top 10 đặc sản hải sản Việt Nam.
9. Cam xã Đoài
“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Những vần thơ của Phạm Tiến Duật dường như đã lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.
10. Nước mắm Cửa Hội
Nước mắm Cửa Hội được chế biến từ cá Cơm và muối
Trong mâm cơm, có chút nước mắm đầu nõ(còn gọi là nước mắm nhỉ), mùi thơm nức mũi, gắp miếng thịt 3 chỉ chấm vào, miếng thịt cong lại, chấm xôi vào ăn ngon muốn ăn mãi. Biếu ai một chai nước mắm Cửa Lò, họ quý hơn vài ba con cá thu hay dăm cân thịt lợn nạc. Nước mắm Cửa Hội bán ở đâu, các bà nội trợ cũng thích mua, vì không những chấm dưa, chấm rau ngon hơn mà kho cá, thịt cũng trội mùi. Thương hiệu nước mắm Cửa Hội trở thành một sản phẩm đặc trưng của văn hoá ẩm thực miền biển xứ Nghệ.