Chi tiết tin tức

Ngôi đền cổ làng Yên Trung - Hưng Thịnh

Thời gian đăng: 22-07-2017 16:43 | 589 lượt xemIn bản tin

    Đền thờ Thành Hoàng làng Yên Trung được phục dựng lại năm 2013 ngay trên vùng đất Hói bạch linh thiêng thuộc xóm Yên Trung, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 4km về phía Nam. Đền có cửa Tam Quan, có hai voi phục chầu, phía trước cổng đền có hồ hình qủa trám mang ý nghĩa bình an, hạnh phúc, con cái như ý nguyện. Theo các cụ cao tuổi trong xã kể lại vùng đất Hói Bạch nơi có ngôi đền cổ bị dở bỏ từ khoảng những năm 1958 do hư hỏng nặng không được tu sửa rất linh ứng, linh thiêng và huyền bí không thể lý giải được.

Cảnh quan đền

Quang cảnh đền Yên Trung sau khi được tôn tạo, phục dựng lại

     Ông Dương Văn Phú (85 tuổi) – Trưởng ban quản lý đền kể rằng nhà ông gần khu vực tàn tích của đền đã nhiều lần chứng kiến việc báo mộng linh ứng của các vị thần nhà đền, ông cũng là người thu thập được nhiều thông tin truyền miệng về ngôi đền cổ xa xưa. Câu chuyện của ông cũng trùng lặp với lời giải thích của cụ Lê Văn Tý – Chủ tịch hội người cao tuổi xã Hưng Thịnh rằng đền Yên Trung có từ lâu đời được trùng tu chỉnh trang lần cuối cùng vào năm 1936 rất uy nghiêm, bề thế chủ yếu là thờ thần Cao Sơn Cao Các – một vị thần chung được thờ phổ biến các đền thờ ở Nghệ An. Trong  “Địa chí văn hóa Hưng Nguyên” có viết: ở xứ Nghệ nói chung, Hưng Nguyên nói riêng thì Cao Sơn Cao Các tựa là một. Tác giả đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc) của Cử nhân Hoàng Thúc Lang, vào đời Minh Mệnh (khoảng 1812 - 1840), như sau: "Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi (trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi). Lại tựa hồ 2 vị là một. Do thiếu điển cố tạm thời không thể khảo chứng là 1 hay 2 thần hiệu, cũng không thể quyết là sơn thần hay nhân thần, không thể miễn cưỡng, biện bác. Duy thần tích rõ ràng không phải. Nay theo xưa thờ khắp đất nước, tùy theo sự hiển ứng, hoặc có thể chống được tai họa lớn thì thờ, nổi tiếng linh thiêng khắp nơi thì nghe theo vậy. Còn những trường hợp không khảo cứu được thì bỏ. Lấy nghi truyền nghi. Hoặc cho núi Tản Viên được nước Nam ta tôn thờ, linh khí bàng bạc vang tiếng từ cổ đến nay, Nam Bắc gầm trời, xó đất đều thờ, xét theo lý lẽ ấy thì thuyết này gần đúng".

Có thể nói Thành Hoàng làng đã trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân. Đức Thành Hoàng là vị thần tối linh, bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân no ấm hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành Hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi.

Chính điện

Chính cung đền được thiết kế theo lối cũ

   Đền Yên Trung ngày này được phục dựng lại mới hoàn toàn trên móng nền cũ, để duy trì thờ các vị Thành Hoàng làng, thần Cao Sơn Đại Vương và rước thờ Song Đồng Ngọc Nữ (con gái thần Cao Sơn). Đồng thời đền cũng đã xây dựng thêm các điện để thờ Quan Âm Bồ Tát và các vị Thánh sư có công với nước.

Nhân dân và du khách dự lễ tế Thành Hoàng làng nhân ngày húy 22/6/2017

Ông Ngô Xuân Phùng – phó ban quản lý đền cho biết thời gian sắp tới nhà đền sẽ tiếp được mở rộng, xây dựng khuôn viên , tôn tạo cảnh quan xứng danh với ngôi đền linh thiêng từng có tên tuổi một thời để người dân tín ngưỡng khắp nơi về dâng hương cầu nguyện, đặc biệt là người dân trong 3 xóm (Yên Trung, Yên Hòa, Yên Hạ, Yên Thượng) đều thuộc làng Yên Trung cổ trước đây tập trung về cửa đền mỗi dịp giỗ Thành Hoàng Làng ngày 22 tháng 6 âm lịch hàng năm để tri ân và thể hiện lòng tôn kính hướng về tổ tiên.  

(Lê Hùng)

Bình luận