Chi tiết tin tức

Nói về nghề báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Thời gian đăng: 20-06-2018 21:10 | 338 lượt xemIn bản tin

Nhà báo là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí...

Các nhà báo chuyên nghiệp tại Việt Nam, công tác 3 năm chính thức tại một tòa soạn báo của Việt Nam (làm việc theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng lao động dài hạn) sẽ được cơ quan báo chí đó đề cử Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp Thẻ Nhà báo. Đây là loại thẻ hành nghề duy nhất trong nghề báo chí ở Việt Nam, có giá trị khi hoạt động nghiệp vụ.

Nhà báo có quyền hoạt động báo chí hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Nhà báo cũng được hưởng một số ưu tiên, ưu đãi cần thiết theo quy định của pháp luật khi hoạt động nghề nghiệp: tham khảo, tra cứu tài liệu, ưu tiên trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng...

Ngành báo chí hiện đang là một trong những ngành “hot” đối với các thí sinh khối C, D1. Ngành học này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, hình thành kỹ năng phân tích, bình luận tình hình thời sự quốc tế và trong nước. Song song đó là nghiệp vụ báo chí như viết tin, phỏng vấn, biên tập chương trình, chụp ảnh, ghi âm, quay phim, làm phóng sự, điều tra…

Nghề báo luôn tiếp thu cái mới, sáng tạo và đổi mới liên tục để đáp ứng nhu cầu độc giả nên có sự đào thải rất nhanh, nếu bạn không tìm ra được cái mới bạn sẽ dễ bị tự đào thải. Do đó, trong quá trình làm việc đòi hỏi bạn phải tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức thời sự, xã hội, chuyên môn hoặc tìm đến các khóa tập huấn chuyên sâu dành riêng cho nghề nghiệp của mình để nâng cao trình độ và kỹ năng tác nghiệp.

Đối với nghề báo, năng lực công tác là rất quan trọng, đòi hỏi những người làm báo phải có kiến thức xã hội sâu rộng, óc quan sát - phán đoán tốt và năng lực giao tiếp tốt. Làm nghề báo mà bạn thiếu tự tin, không mạnh dạn, ít xông xáo thì khó mà thành công được. Nhiều anh chị phóng viên khi tác nghiệp, để lấy được một thông tin hấp dẫn đôi khi phải chờ “săn” đến gần cả tuần mà chưa hẳn đã được. Cực khổ thế nhưng đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà báo khi thực hiện được điều gì đó có ích cho xã hội, họ yêu nghề và viết vì cuộc sống, cho chính họ và cho mọi người.

Ngoài năng lực công tác, nghề báo đòi hỏi ở bạn rất cao về đạo đức, nhân cách người làm báo. Trung thực, thẳng thắn, nói đúng, viết đúng sự thật và khách quan là những tố chất cực kỳ quan trọng đối với nghề này. Bởi một khi những gì bạn đã nói và viết lên mặt báo thì hàng ngàn, hàng vạn người biết đến, nếu không nói đúng sự thật thì tác hại vô cùng. Do đó, trong chương trình đào tạo rất chú trọng đến vấn đề này.

Mục tiêu đào tạo ngành này quy định rõ: những người được đào tạo theo chương trình này phải có trình độ lý luận chính trị, có ý thức dân tộc và yêu nước sâu sắc; có năng lực hoạt động nghiệp vụ báo chí để có thể hội nhập bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp ở khu vực và thế giới; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động phá hoại Đất nước, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đầy đủ và tự giác về vai trò - vị thế xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.

 

 

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tiếp đón các cơ quan, ban ngành đến tặng hoa chúc mừng nhân ngày Báo chí CMVN 21/6/2018

(Hội viên Hội nhà báo)

 

 

Bình luận