Chi tiết tin tức

“Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?

Thời gian đăng: 26-01-2019 11:16 | 328 lượt xemIn bản tin

 

Để góp phần giảm thiểu tín dụng đen, bên cạnh việc triển khai các sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý, các nhà băng cũng cần phải đơn giản hóa tối đa thủ tục để “sáng vay, chiều nhận”.

 

Tín dụng đen đang hoành hành tại gần như khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

 

Điều kiện “cần”

Tín dụng đen đang hoành hành tại gần như khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gây nên nhiều hệ lụy và bất ổn xã hội. Theo đó, Chính phủ đã xem việc xóa tín dụng đen như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chính thức “cởi trói” cho tín dụng tiêu dùng với mong muốn dùng tín dụng chính thống để khắc chế tín dụng đen. Theo đó, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, Thống đốc NHNN lại yêu cầu các TCTD phải nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân. Ngay sau Chỉ thị 01, không ít ngân hàng như Agribank đã tuyên bố dành 5.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản. Trong khi các ngân hàng khác, dù không nói ra, song cũng đang âm thầm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.

Nhưng chừng đó là chưa đủ nên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn TP.HCM vừa diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN đã một lần nữa yêu cầu các TCTD phải vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức. “Các ngân hàng thương mại đều có trách nhiệm tham gia góp phần hạn chế tín dụng đen, tùy vào điều kiện, nguồn vốn và định hướng của từng đơn vị”, Phó Thống đốc Tú yêu cầu.

Ghi nhận nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong cuộc chiến với tín dụng đen, song giới chuyên gia cho rằng quy mô cho vay tiêu dùng hiện vẫn rất nhỏ bé và vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hơn thế, với việc tăng trưởng tín dụng năm nay được định hướng ở mức 14%, trong khi các nhà băng vẫn phải tập trung vốn cho SXKD, thì lượng vốn dùng để cho vay tiêu dùng xem ra lại càng nhỏ.

Ngay cả khi đáp ứng được đủ nhu cầu thì đó cũng mới chỉ là điều kiện “cần”, chứ chưa phải là điều kiện “đủ” để loại bỏ tín dụng đen. Sở dĩ như vậy là do không phải đợi đến yêu cầu của NHNN mà trên thực tế, tất cả các nhà băng đều đã triển khai cho vay tiêu dùng từ lâu, một cách trực tiếp hoặc thông qua các công ty tài chính, do lãi cận biên của cho vay tiêu dùng cao hơn khá nhiều so với cho vay SXKD. Thậm chí trong nguồn thu của không ít nhà băng như VPBank…, cho vay tiêu dùng chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thế nhưng tín dụng đen vẫn hoành hành.

Sáng vay, chiều giải ngân

Vậy đâu là điều kiện đủ? Theo giới chuyên gia, “sức sống” của tín dụng đen chính là ở chỗ “thủ tục đơn giản”. Chẳng cần tài sản thế chấp, không phải chứng minh thu nhập trả nợ, không cần thủ tục rườm rà mà chỉ cần một chiếc CMND là người vay đã “hội đủ điều kiện” để các đối tượng cho vay nặng lãi “xuống tiền”. Trong khi đến với ngân hàng, không chỉ phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh thu nhập để trả nợ mà người vay còn phải trải qua một núi thủ tục, nhiều khi mất đến cả tháng trời mới vay được tiền.

Không chỉ vậy, tín dụng đen cũng hoạt động không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm chứ không như ngân hàng. Bởi vậy, mặc dù biết “dính” với tín dụng đen là “vay dễ khó trả”, là phải chịu mức lãi suất cắt cổ, nhưng vì nhiều lý do mà không ít người vẫn liều “nhắm mắt đưa chân”.

Bản thân Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận: “Thấy ngân hàng là thấy một núi giấy tờ, một tập hồ sơ”. “Trong trường hợp gia đình có người thân đau ốm phải nhập viện cấp cứu mà nộp hồ sơ vay ngân hàng 3-4 ngày sau mới giải ngân thì không ổn, họ buộc phải tìm tới tín dụng đen”, ông cho biết.

Một lý do nữa khiến người dân phải tìm tới tín dụng đen là vì hiện lãi suất cho vay tiêu dùng cũng khá cao, thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng tại nhiều công ty tài chính chẳng kém tín dụng đen là bao.

Vì vậy, theo ông Đào Minh Tú, để mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các nhu cầu tài chính tiêu dùng chính đáng, cần nghiên cứu cơ chế xét duyệt hồ sơ vay vốn trong ngày, mức cho vay và lãi suất phải hợp lý. “NHNN sẽ giao cho Agribank nghiên cứu triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với thủ tục đơn giản, có thể sáng vay chiều giải ngân nhằm giúp người dân không phải tìm tới tín dụng đen”, ông Tú tiết lộ.

Đánh giá cao đề xuất này của NHNN, một chuyên gia ngân hàng cho biết, gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng nói trên rất có ý nghĩa và thiết thực, có thể giúp cho những đối tượng thấp nhất trong xã hội, vốn không có điều kiện tiếp cận vốn, cũng có thể vay được tiền mà không cần quá nhiều thủ tục, yêu cầu. “Nếu thực hiện tốt, nó sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

(Nguồn: Doanh nghiệp và hội nhập)

Bình luận