Chi tiết tin tức

Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nói về vụ phá dỡ dải phân cách QL1 ở Nghệ An

Thời gian đăng: 23-10-2019 14:26 | 293 lượt xemIn bản tin

 

 

Đoạn dải phân cách bị các đối tượng phá dỡ

 

Liên quan đến vụ dải phân cách trên QL1 đoạn qua phường Bến Thủy, TP Vinh bị 1 nhóm người mang máy móc, thiết bị đến phá dỡ lúc nửa đêm. Luật sư Nguyễn Thanh Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trước hết cần phải thấy rằng công trình giao thông đường bộ trên đường Quốc lộ là công trình, cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước, do Nhà nước quản lý.

Khoản 1 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm phá hoại đường, dải phân cách [...] và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Khoản 2 Điều 8 cũng nghiêm cấm hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép; [...] mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

Hành vi trên của các đối tượng là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài ra còn có dấu hiệu phạm tội hình sự, cần phải được điều tra làm rõ. Cụ thể hành vi phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật trong lĩnh vực kinh tế, xã hội không nhất thiết phải gây ra thiệt hại đến mức 5.000.000 đồng mà chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu động cơ, mục đích là “nhằm chống chính quyền nhân dân”. Hành vi phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 114 Bộ luật hình sự với mức hình phạt thấp nhất khi đã thực hiện hành vi là phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

 

Văn bản Chi cục quản lý đường bộ II.2 gửi Công an phường Bến Thủy và Công an TP Vinh

 

Nếu không có động cơ, mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì trên cơ sở giá trị của tài sản bị hủy hoại (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì có thể bị truy tố về tội “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật hình sự với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10 đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo luật sư Sơn: Các cơ quan có thẩm quyền phải điều tra, xác minh làm rõ, tối thiểu là phải có hoạt động xác minh, lấy lời khai của các đối tượng tình nghi để làm rõ động cơ, mục đích của việc đập phá công trình giao thông, khởi tố vụ án, trưng cầu định giá tài sản... để có cơ sở giải quyết.

Về việc Chi cục quản lý đường bộ II.2 đã có văn bản gửi cơ quan Công an thành phố Vinh, luật sư Sơn nói: Đây là “tin báo về tội phạm” cho nên theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự thì mọi tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Trong đó cơ quan tiếp nhận tin báo (cụ thể ở đây là Công an phường Bến Thủy và Công an thành phố Vinh) phải có biên bản tiếp nhận, ghi vào sổ tiếp nhận, trường hợp phát hiện tin báo không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền.

“Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ giải quyết. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không được quá 02 tháng. Tức phải xem xét có dấu hiệu hình sự hay không?”, luật sư Sơn nói.

(Theo Luật sư)

Bình luận